Khám phá các món ăn đặc sắc của ẩm thực miền Tây

Miền Tây Việt Nam hút hồn du khách bởi cảnh đẹp hiền hòa, thanh bình cùng với những con người nồng hậu, nhiệt tình, xởi lởi. Không chỉ có vậy, nơi đây còn khiến cho những ai ghé thăm không thể quên bởi văn hóa ẩm thực. Văn hóa ẩm thực miền Tây cũng mang nét hiền hòa, phong phú đa dạng đến lạ.

Mỗi vùng miền lại có đặc trương và có nét đặc sắc riêng trong văn hóa ẩm thực. Ẩm thực miền Bắc thu hút bở sự chú trọng hình thức, cách trình bày. Trong khi đó ẩm thực miền Tây thường đề cao hương vi và sự bình dân của nguyên liệu. Người dân miền Tây sông nước luôn chế biến các món ăn vừa lạ tai, vừa lạ miệng. Bài viết sau đây là một số món ăn tiêu biểu nhất cho ẩm thực miền Tây dân dã này để giới thiệu đến các bạn!

Bông súng mắm kho – món ăn độc đáo mà dân dã

Đối với người dân Việt, có lẽ bông súng đã là hình ảnh quen thuộc gắn liền với các vùng quê sông nước. Thế nhưng trong trái tim người dân miền Tây, hoa súng còn là một phần đặc biệt trong văn hóa ẩm thực. Đây là món ăn vừa dân dã lại vừa độc đáo. Ngày nay, bông súng đã trở thành đặc sản của cả vùng.

Bông súng mắm kho
Bông súng mắm kho độc đáo mà dân dã

Nếu có cơ hội thưởng thức hoa súng do người miền Tây chế biến, chúng ta sẽ thấy vị khá thanh, thân hoa nhẹ xốp vừa miệng. Càng nhai kỹ càng thấy sự tươi mới, bùi bùi ngọt ngọt đọng lại nơi đầu lưỡi. Thường người dân bản xứ nấu hoa súng với mắm linh hoặc mắm sặc cho thơm và đậm vị. Khi gần chín lại cho thêm sả hoặc thịt ba chỉ đã ninh nhừ cho món ăn được phong phú.

Đuông dừa – đặc sản của ẩm thực miền Tây

Nếu nhắc đến ẩm thực miền Tây mà không nhắc đến đuông dừa thì quả là thiếu sót lớn. Đối với những ai sành ăn, chuộng sự mới lạ, khám phá ẩm thực các vùng đất thì đuông dừa xứng đáng là loại đặc sản trứ danh không đâu có được trừ xứ sông nước này.

Đuông dừa được biết đến như một loại ấu trùng sống trên thân cây dừa. Chúng thường mập mạp, mọng nước. Khi ăn có vị béo ngọt, tan trong miệng. Các chuyên gia dinh dưỡng đã đánh giá loại thực phẩm này tốt cho cho sức khỏe, giàu protein.

Một số sự lựa chọn món ăn có thành phần đuông dừa bao gồm: Đuông dừa chiên giòn, đuông dừa rang mặn, đuông dừa luộc nước dừa, đuông dừa tẩm nước mắm,..

Lẩu cá linh bông điên điển

Trong ẩm thực miền Tây, cá linh là loại cá quen thuộc, đặc trưng cho vùng quê sông nước. Để làm món lẩu cá linh, người ta ưu tiên chọn bắt cá ngay đầu mùa nước nổi. Đây là lúc cá béo, có mỡ ăn ngậy mà không ngán, xương cá lại mềm. Bông điên điển thì thu hoạch tại mé sông hoặc đầm lầy.

Lẩu cá linh bông điên điển
Lẩu cá linh bông điên điển của miền Tây

Nồi lẩu điên điển ăn cùng cá linh có vị ngọt đặc trưng của hai nguyên liệu chính, cá vừa mềm béo rất lạ miệng. Nước lẩu ngon phải là ngọt thanh và càng trong càng tốt. Bên cạnh bông điên điển chúng ta cũng có thể ăn kèm với các loại rau khác như bông súng, rau nhút hoặc ngò gai,… Để ăn chung với lẩu, thực khách nên sử dụng bún tươi.

Lẩu mắm – đậm vị đến từ nước dùng

Lẩu mắm được du khách yêu mến tặng danh hiệu món lẩu giản dị mà hào phóng y như người dân bản xứ. Sở dĩ món này được gọi như vậy là vì chỉ cần chế biến nước dùng xong là thực khách có thể tùy ý chọn bất cứ loại thịt và rau nào để ăn chung. Mùa nào thức đó. Do đó, chúng ta có thể chọn thịt lợn hoặc các loại cá tôm, hải sản hay bông bí, bắp chuối, rau đắng để thưởng thức.

Linh hồn của lẩu mắm nằm ở nước dùng. Nước dùng được pha từ các loại mắm đặc trưng của vùng. Nhưng, ở đây không thể thiếu mắm cá linh và mắm cá sặc. Muốn nước lẩu ngon thì phải chọn mắm đã ủ lâu, dậy mùi, đậm vị. Khi pha nước dùng cần cho thêm nước súp xương heo hầm kỹ thì nồi lâu sau mới thơm, mới hấp dẫn.

Thưởng thức lẩu mắm đúng kiểu ẩm thực miền Tây cần đun sôi nước lẩu một lúc rồi mới bắt đầu ăn. Lúc này thịt và rau củ đã hòa quyện với nước dùng. Khi ăn có cảm giác ngọt ngào, thanh mát.

Lẩu cháo cua đồng – món ăn thanh mát mùa hè

Lẩu cháo trong ẩm thực miền Tây chính hiệu chỉ bao gồm gạo và cua đồng tuyển chọn. Loại lẩu này thường được ăn vào các ngày nóng bức, không khí oi, ít gió. Khi đó, bạn sẽ thấy rõ được cái thanh mát của nguyên liệu.

Chế biến lẩu cua đồng khá công phu. Người ta cần chọn ra cua đồng mới bắt vẫn còn khỏe để chế biến. Trước tiên bóc vỏ yếm bên ngoài, bỏ mai và cạo lấy hết gạch cua. Cua giã nhuyễn rồi ướp muối cho vừa miệng ăn. Gạo rang sơ rồi đổ chung vào nồi lẩu nấu cháo. Thực khách nên thưởng thức món ăn cùng nước chấm gừng ớt hơi cay cay để món ăn dậy vị hơn nhé!

Cá lóc hấp bầu ngon ngọt khó cưỡng

Cá lóc hấp bầu
Cá lóc hấp bầu ngon ngọt khó cưỡng

Cùng với cá linh, cá lóc là loại cá quen thuộc với bà con miền Tây. Trong văn hóa ẩm thực miền Tây, cá lóc hấp bầu là món ăn chơi. Món ăn này ít khi được dùng làm món chính trong bữa ăn. Người dân chọn hấp cá lóc để giữ được độ tươi ngon và cái ngọt thanh của thịt. Hấp vừa chín tới sẽ khiến thịt mềm vừa ăn, vị của bầu mềm, ngọt tự nhiên lại càng tôn thêm nét đặc trưng của cá.

Gỏi sầu đâu – món ăn dân dã nơi đâu cũng có

Miền Tây Nam Bộ, có món ngon mà không nơi nào có đó là gỏi sầu đâu. Món ăn dân dã này được làm từ lá non và nụ của sầu đâu cùng khô cá sặc xé nhỏ, thịt ba chỉ, cá lóc, tôm, xoài xanh, dưa leo với cà chua. Món ăn có vị ngọt ngọt, chua chua, đăng đắng. Nước chấm là nước mắm me với đủ vị chua cay mặn ngọt hấp dẫn. Món gỏi sầu đâu có thể ăn kèm với cơm hoặc ăn với bánh tráng nướng.

Gắp một miếng gỏi chấm với chút mắm me, cắn miếng bánh tráng giòn tan và nhai chầm chậm. Vị béo của thịt, vị ngọt của tôm và vị chua của xoài, me hòa lẫn với vị đắng của lá sầu đâu thấm vào vị giác, ngon đến quên lối về.

Các món ăn đại diện cho văn hóa ẩm thực miền Tây vừa rồi hi vọng đã giúp các bạn độc giả tìm được gợi ý lên thực đơn cho riêng mình. Chúc các bạn có những phút giây thật thư giãn cùng tinh hoa ẩm thực vùng sông nước.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *