Việt Nam tuy là một đất nước nhỏ bé và từng bị đô hộ nhiều lần trong suốt chiều dài lịch sử, nhưng nơi này lại là một vùng đất kiên cường, là nơi có bề dày lịch sử lên tới 4000 năm và có nền văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Chính vì thế văn hoá truyền thống là một phần di sản quý báu của toàn dân tộc ta. Nó đã được các thế hệ người Việt gìn giữ và phút huy giá trị suốt từ đời này qua đời khác.
Trong một thời kỳ mà sự hội nhập quốc tế đang lan rộng như hiện nay, các giá trị văn hoá của Việt Nam cũng nhờ đó mà được lan toả và được thế giới ghi nhận. Trong số vô vàn những báu vật của quốc gia ấy, thì 10 di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận có lẽ là những báu vật vô hình khiến Việt Nam tự hào nhất. Những di sản ấy không chỉ góp phần vào việc quảng bá hình ảnh văn hoá của Việt Nam ra với thế giới, mà nó còn trở thành một nguồn lực nội sinh giúp chúng ta gìn giữ và phát triển hơn nữa những bản sắc truyền thống vốn có của mình.
Mục Lục
Nhã nhạc cung đình – kiệt tác âm nhạc và văn hoá của xứ Huế
Lần đầu tiên (tháng 11/2003), một loại hình văn hóa của Việt Nam được UNESCO ghi danh, đó là Nhã nhạc cung đình Huế. Đây là thể loại nhạc của cung đình thời phong kiến, được biểu diễn vào các dịp lễ hội (vua đăng quang, băng hà, các lễ hội tôn nghiêm khác) trong năm của các triều đại nhà Nguyễn của Việt Nam. Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên – kiệt tác truyền khẩu lâu đời
Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào ngày 15/11/2005. Sau Nhã nhạc cung đình Huế, đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 2 của Việt Nam được nhận danh hiệu này.
Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên bao gồm nhiều yếu tố bộ phận cấu thành. Nó bao gồm: Cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng (Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng Bến nước…), những địa điểm tổ chức các lễ hội đó (nhà dài, nhà rông, nhà gươl, rẫy, bến nước, nhà mồ, các khu rừng cạnh các buôn làng Tây Nguyên…)
Quan họ Bắc Ninh – làn điệu dân ca quen thuộc xứ kinh Bắc
Dân ca quan họ ở Bắc Giang và Bắc Ninh là một trong những làn điệu dân ca tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam. Nó còn được gọi là dân ca quan họ Kinh Bắc. Lý do là bởi nó được hình thành và phát triển ở vùng văn hóa Kinh Bắc xưa; đặc biệt là khu vực ranh giới hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay. Ngày 30/9/2009, UNESCO chính thức công nhận Quan họ là di sản văn hóa phi vật thể của thể giới.
Ca trù – văn hoá âm nhạc của giới quý tộc Việt xưa
Hát ca trù là một bộ môn nghệ thuật truyền thống ở phía Bắc Việt Nam. Ca trù thường được kết hợp hát cùng một số nhạc cụ dân tộc. Ca trù thịnh hành từ thế kỷ 15. Nó từng là một loại ca trong cung đình và được giới quý tộc và trí thức yêu thích. Ca trù là một sự phối hợp nhuần nhuyễn và đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc.
Ngày 1/10/2009, tại kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; từ ngày 28 tháng 9 tới ngày 2 tháng 10 năm 2009; ca trù đã được công nhận là di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Hội Gióng – lễ hội của người anh hùng trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam
Hội Gióng là lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm ở nhiều địa phương tại Hà Nội. Lễ hội này nhằm tưởng nhớ và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng; một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Năm 2010, hội Gióng ở đền Phù Đổng (Gia Lâm) và đền Sóc (huyện Sóc Sơn) đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Hát Xoan – điệu hát của vùng đất tổ
Hát Xoan là một di sản văn hóa phi vật thể quý giá của vùng đất Tổ Hùng Vương. Hát Xoan Phú Thọ thuộc loại hình dân ca lễ nghi phong tục. Người hát Xoan thường là hát cửa đình. Hát Xoan hội tụ đa yếu tố nghệ thuật như nhạc, hát, múa… Ngày 24/11/2011, Hát Xoan được UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – bản sắc văn hoá và đạo lý cội nguồn của người Việt
Tháng 12/2012, tại kỳ họp lần thứ 7, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo đánh giá, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã trở thành bản sắc văn hóa của người Việt Nam. Đó cũng là đạo lý và truyền thống quý giá từ rất lâu đời. Nó thể hiện lòng biết ơn ân đức của tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Đờn ca tài tử – điệu nhạc quen thuộc của người dân Nam Bộ
Tháng 12/2013, tại phiên họp lần thứ 8 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Baku (Azecbaijan), Di sản Đàn ca tài tử Nam Bộ đã được ghi tên vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh – lối hát dân gian lâu đời của người Việt
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong phiên họp ngày 27/11/2014 tại Paris, Pháp. Ví, Giặm là 2 lối hát dân ca không nhạc đệm. Chúng được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay. Ví, Giặm được thực hành trong lao động và đời sống thường nhật. Đó có thể là lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, quay tơ, dệt vải, đi củi, trèo non. Dân ca Ví, Giặm chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh. Hơn nữa, nó còn là phương tiện nghệ thuật đặc trưng xứ Nghệ. Nó giúp họ biểu đạt tư tưởng, tình cảm, tăng cường giao lưu, gắn kết cộng đồng.
Nghi lễ kéo co – trò chơi truyền thống của người Việt
Tháng 12/2015, Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã ghi danh nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 10 của Việt Nam được UNESCO ghi danh.