Văn hóa ẩm thực là một phần của các đặc trưng về vật chất và tinh thần, khắc họa một số nét đặc sắc của một cộng đồng, của một vùng miền hay của cả một quốc gia. Ẩm thực không chỉ đơn thuần là thưởng thức cơ bản mà nó còn phản ánh đặc điểm của từng vùng. Trải dài theo hình chữ S của đất nước Việt Nam, mỗi vùng miền đều có những món ăn, thức uống đậm chất vùng miền đó với hương vị, cách trang trí và cách dùng món riêng, đặc biệt bài viết này sẽ nêu ra 3 thức uống đặc trưng của 3 miền Bắc, Trung và Nam.
Mục Lục
Cà phê trứng Hà Nội thớm ngon, béo ngậy
Mở đầu là Cà phê trứng Hà Nội. Thức uống này vinh dự đứng đầu danh sách thức uống nên thử khi đi du lịch. Thật vậy, thức uống có vị đắng của cà phê, ngọt thanh của sữa, bơ và béo ngậy của trứng. Thực khách năm châu nói chung; thực khách Việt Nam nói riêng khó lòng có thể phủ nhận được vị ngon của nó. Khi dùng cà phê trứng, người dùng phải thường xuyên khuấy để lớp bọt kem trứng hoà quyện vào cà phê. Giữ đúng vị ngon của nó.
Trong tiết trời se lạnh của Hà Nội, ngồi bên khung cửa sổ, đọc một cuốn sách và nhấp một ngụm cà phê trứng ấm nóng. Đó quả là một điều tuyệt vời. Cà phê trứng dường như là nét văn hoá ẩm thực rất Hà Nội. Nó là niềm tự hào ẩm thực của con người Việt Nam nói chung; con người của vùng đất thủ đô nói riêng.
Trà Mót Hội An càng uống càng nghiện
‘’Đã thử trà Mót Hội An chưa?’’. Đó là câu hỏi mà hầu hết ai vừa đi tham quan Hội An về nhận được. Giữa lòng phố cổ Hội An, Trà Mót như một quán trà đặc biệt mang đậm hương vị và phong cách phố cổ. Bất cứ du khách nào khi đến đây cũng không muốn bỏ lỡ. Quán trà mót nằm trên đường Trần Phú. Thuở sơ khai, quán nước chỉ là một quán vỉa hè bán nhiều loại nước thảo mộc tự làm.
Nhờ sự yêu thích của mọi người mà một thời gian sau, Mót đã có quán trà riêng của mình. Biết đến với nhiều thức uống thảo mộc thanh mát, Trà Mót còn nổi tiếng với một loại thức uống đặc biệt khác cũng có tên là “Trà Mót”. Trà Mót là một loại thức uống riêng của quán. Được nấu từ những búp trà xanh non tươi, chanh sả, cam thảo có mùi sen thoang thoảng. Hớp một ngụm trà, hương sen, hương chanh, hương sả sẽ ngập trong cổ họng. Trà Mót càng uống càng nghiện, được xem là một món trà thảo mộc thanh khiết cho cơ thể.
Nước dừa Bến Tre mang hương vị đặc biệt
Nước dừa có lẽ đã quá quen thuộc với người Việt Nam cũng như là khách du lịch trên toàn thế giới. Từ thời xa xưa, hình ảnh cây dừa đã có mặt trong đời sống cũng như trong nghệ thuật; gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Việt Nam. Ngày nay, cây dừa lại càng quen thuộc hơn. Một sản phẩm của cây dừa là trái dừa. Cho nước ngọt và cơm dừa rất ngon. Đây được xem là đặc sản của miền Nam.
Dừa ở đâu cũng có trên mọi miền đất nước Việt Nam. Nhưng dừa Bến Tre lại mang hương vị đặc biệt. Ngon hơn hẳn tất cả các loại dừa khác. Dừa Bến Tre của miền Nam nước ngọt thanh, cơm dừa mềm, ngon. Khi uống có thểm thêm một ít muối rang và đá để có thể giải khát tốt hơn. Trong tiết trời nắng nóng bỏng da của miền Nam này, nước dừa là một món giải khát tinh khiết, tự nhiên, cung cấp đầy đủ nước và khoáng chất cho cơ thể.
Những đặc trưng riêng của ẩm thực 3 miền
Ẩm thực miền Bắc: Tinh tế, vị vừa phải, trung tính
Khẩu vị của người miền Bắc từ xa xưa đã được coi là chuẩn mực bởi được sàng lọc kỹ lưỡng từ bao đời. Họ chuộng món ăn thanh đạm, nhẹ nhàng và một chút chua. Các món rau và các loại thủy hải sản nước ngọt cũng khá phổ biến trong các món ăn miền Bắc. Các gia vị được tiết chế vừa phải, có sự tương hỗ với nhau, không cay xé lưỡi như các món ăn miền Trung cũng không ngọt như trong món của người Nam. Tổng hòa lại hương vị ẩm thực Bắc bộ thanh tao và đầy tinh tế.
Ẩm thực miền Trung: Đậm đà, thiên vị cay, mặn
Tại sao trong ẩm thực 3 miền, các món miền Trung lại thường cay và mặn? Xuất phát từ điều kiện tự nhiên xấu, nhiều thiên tai; người dân nơi đây có thói quen tiết kiệm trong ăn uống nên thường nêm đậm vị trong đồ ăn. Ngay cả màu sắc món ăn cũng thường thiên về màu đỏ và nâu sậm hiền lành. Ẩm thực miền Trung là sự đan xen của hai lối ẩm thực: cung đình và đường phố; vừa có chút cầu kì, lễ nghi và sang trọng lại có chút dung dị, đơn giản. Đến với miền Trung, du khách có cơ hội cảm nhận tổng hòa các nét đa dạng, phong phú và khác biệt của ẩm thực nơi đây.
Ẩm thực miền Nam: Tiếp biến và phong phú
Hương vị thường thấy trong các món miền Nam là ngọt, béo. Họ dùng nhiều đường, nước cốt dừa trong chế biến món ăn. Các món ăn miền Nam đặc biệt phải kể đến: cá lóc nướng trui, gỏi cuốn, bún mắm, hủ tiếu Nam Vang, bánh bò… Thông thường, người miền Nam không thích một vị trung hòa, những vị ngọt, béo, cay đều phải đạt cực điểm.