Đồng bào người dân tộc Mông ở khu vực miền núi phía Bắc nước ta hàng năm tổ chức rất nhiều các lễ hội và nghi lễ truyền thống vô cùng đặc sắc. Trong đó, tiêu biểu nhất có lẽ phải nói đến “lễ hội chơi núi mùa xuân” mà người Mông thường hay gọi là Gầu Tào. Lễ hội này là một hình thức sinh hoạt văn hoá và tín ngưỡng quan trọng của người Mông. Được tổ chức vào mỗi dịp mừng Tết đến xuân về, vì thế, lễ hội Gầu Tào mang đậm những nét văn hoá và bản sắc của cộng đồng dân tộc thiểu số này.
Mục Lục
Người Mông có rất nhiều lễ hội truyền thống
Lễ hội Nào Sồng của người Mông là một nghi lễ quan trọng trong đời sống tinh thần của họ. Lễ hội này giống như một hội nghị của người Mông được tổ chức vào đầu năm. Nó nhằm để đưa ra các quy định, quy ước cho công việc của cả bản trong suốt một năm.
Lễ ăn cơm mới là nghi lễ cúng tế thần nông được tổ chức khi kết thúc một mùa vụ. Nó nhằm để cảm ơn tổ tiên, trời đất… đã phù hộ cho gia đình một mùa thu hoạch tốt. Đồng thời, nó cũng để cầu khấn xin thần linh phù hộ cho gia đình quanh năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tránh được thiên tai dịch bệnh, các thành viên trong gia đình được khỏe mạnh,…
Lễ hội cúng rừng của đồng bào Mông thể hiện nét sinh hoạt tín ngưỡng tôn thờ các vị thần,… Đồng thời, đây cũng là dịp nhắn nhủ mỗi người dân địa phương nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng, tạo nguồn sinh thủy phục vụ đời sống,…
Nguồn gốc lễ hội Gầu Tào của người Mông
“Gầu Tào” tiếng Mông nghĩa là “chơi ngoài trời”. Đây là một lễ hội độc đáo của người Mông có từ rất lâu đời. Lễ hội này luôn được mọi người dân trông chờ nhất vào dịp đầu xuân.
Nguồn gốc của lễ hội bắt nguồn từ việc cầu phúc hoặc cầu mệnh của một gia đình. Trong đó, hội cầu phúc được tổ chức xuất phát từ việc một gia chủ nào đó không có con, thưa con hoặc sinh con một bề, sẽ làm lễ nhờ thầy cúng bói xin cho mở hội Gầu tào nhằm cầu mong có con. Hội cầu mệnh diễn ra khi một gia chủ nào đó bị ốm đau bệnh tật, con cái yếu ớt, thậm chí có con bị chết, mùa màng, vật nuôi lụi dần, cũng nhờ thầy cúng bói xin mở hội Gầu tào.
Hiện nay, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và cộng đồng, lễ hội được nhân rộng, tổ chức thường xuyên và trở thành lễ hội của cộng đồng làng. Bởi vậy, ngoài ý nghĩa ban đầu của lễ hội là cầu phúc, cầu mệnh đã có sự biến đổi, nâng tầm thành lễ hội của bản làng với ý nghĩa cầu cho mùa màng bội thu, người người khỏe mạnh, nhà nhà có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Ý nghĩa của lễ hội Gầu Tào
Tùy từng vùng người Mông mà lễ hội được tổ chức vào các ngày khác nhau. Theo truyền thống trước đây của người Mông, lễ hội thường được tổ chức từ ngày 2-4 Tết Âm lịch. Nhiều vùng chọn tổ chức vào ngày thìn đầu năm để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Cây nêu là biểu tượng chính trong lễ hội Gầu Tào của người Mông. Nó luôn gắn liền với sự linh thiêng. Do vậy, câu nêu luôn được chọn rất cẩn thận. Nó phải là những cây thẳng, không bị sâu, không bị cụt ngọn. Đặc biệt, quan trọng nhất là không chọn cây đổ. Khi chặt cây, người chủ cúng hoặc chủ nhà phải thắp hương cầu khấn các vị thần. Sau đó họ mới được tiến hành chặt cây. Ngọn của cây nêu bao giờ cũng phải quay về hướng Đông. Bởi lẽ, người Mông quan niệm đó là hướng của sự sinh sôi, nảy nở. Trên thân cây nêu họ thường treo một dải vải chàm màu đen hoặc đỏ, một cút rượu, một túm ngô hoặc thóc, một sâu tiền bạc. Dưới gốc cây nêu họ đặt đồ lễ dâng lên các vị thần linh.
Sau khi làm lễ cúng tế cầu mong thần linh ban cho sức khỏe, mùa màng bội thu; mọi người tỏa ra các ngọn đồi thấp, bãi ruộng bằng chung quanh tham gia các trò chơi truyền thống. Lễ hội Gầu Tào là lễ hội lớn nhất, đông người tham gia nhất. Nó được coi là lễ hội tiêu biểu và đặc sắc nhất của người Mông.