Mỗi một dân tộc tại mỗi vùng miền của Việt Nam đều mang một bản sắc riêng biệt không thể hoà lẫn. 54 dân tộc là 54 màu sắc rực rỡ khác nhau, nhưng lại hoà hợp đến lạ kỳ trong cùng một dải đất. Chính điều đó đã tạo nên sự phong phú và đa dạng về văn hoá, phong tục tập quán và tín ngưỡng của con người Việt Nam. Sự đa dạng đó cũng là chất liệu để vẽ nên một bức tranh đầy sắc màu trong văn hoá Việt. Và, điển hình nhất về sự đa dạng sắc màu văn hoá ấy có lẽ là các trang phục truyền thống của các dân tộc Việt Nam.
Mục Lục
Trang phục truyền thống – linh hồn riêng của mỗi dân tộc
Trong lịch sử phát triển của mỗi dân tộc, trang phục là sản phẩm sáng tạo của con người trước điều kiện tự nhiên. Nó thể hiện quan niệm về nhân sinh, thẩm mỹ… được hình thành, lưu giữ, truyền lại qua nhiều đời. Với Việt Nam, qua hàng nghìn năm lịch sử, văn minh trang phục đã phát triển rực rỡ, góp phần làm nên bản sắc riêng có. Mỗi tộc người, mỗi vùng miền nước ta có những y phục đặc trưng, tạo nên một kho tàng phong phú, nhiều màu sắc.
Trong thời điểm giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ, trang phục truyền thống như chỉ dấu, là nét đặc trưng cần được gìn giữ, phát triển và quảng bá, nhằm phát huy nét riêng đặc sắc của mỗi dân tộc. Tuy nhiên, cùng với quá trình toàn cầu hóa, sự du nhập của văn hóa ngoại lai, y phục hiện đại lấn át kiểu mặc truyền thống.
Các trang phục truyền thống của các dân tộc Việt Nam
Áo tứ thân – trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt xưa
Áo tứ thân là một trong những trang phục truyền thống của Việt Nam. Đồng thời, nó cũng là biểu tượng của người phụ nữ ở các tỉnh miền Bắc xưa kia.
Là trang phục lâu đời, áo tứ thân có thiết kế mang đậm tính biểu tượng. Nó tượng trưng cho những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Ví dụ như: 4 tà áo tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu là bố mẹ mình và bố mẹ chồng. Vạt cụt nằm ở trong 2 vạt áo tượng trưng cho sự ôm ấp của cha mẹ với đứa con thân yêu. 5 nút áo được bố trí cân xứng tượng trưng cho 5 đức tính tốt đẹp của con người (ngũ thường) là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. 2 vạt áo phía trước được buộc lại tượng trưng cho tình cảm vợ chồng luôn khắng khít, bền chặt, gắn bó keo sơn. Hiện nay, áo tứ thân hầu như chỉ còn được mặc trong các dịp lễ tết, hội hè,….
Áo dài – quốc phục của Việt Nam
Chắc hẳn khi nhắc đến trang phục truyền thống, điều đầu tiên mà mỗi người dân Việt Nam nghĩ đến chính là Áo dài. Áo dài là trang phục truyền thống lâu đời của người Việt. Đồng thời, nó cũng là quốc phục của nước ta mỗi khi giới thiệu với bạn bè quốc tế. Trước đây, Áo dài được cả nam và nữ mặc vào hầu hết mọi thời điểm trong ngày. Tuy nhiên hiện nay, loại trang phục này chỉ còn được sử dụng chủ yếu cho nữ. Nó thường được mặc khi đi học hay khi đi làm ở một số cơ quan, công sở. Bên cạnh đó, Áo dài màu tím cũng được xem là biểu tượng đặc biệt. Đó là hình ảnh của những người con gái Huế dịu dàng, thanh nhã, kín đáo và e ấp.
Áo bà ba – bản sắc riêng của người dân Nam Bộ
Áo bà ba là trang phục truyền thống cho cả nam và nữ. Đồng thời, nó cũng là biểu tượng của người phụ nữ ở miền Nam nước ta. Về cơ bản, thiết kế áo bà ba hoàn toàn tương tự như các loại áo thông thường. Nó có cổ áo giữa, dài hoặc ngắn tay. Áo được cài bằng một hàng khuy kéo dài từ cổ thẳng xuống bụng. Với cấu tạo đơn giản và thường được làm từ các loại vải mềm, mỏng, nhẹ, mát như lụa, the,…nên hiện nay áo bà ba vẫn còn rất được ưa chuộng sử dụng trong mọi dịp từ ở nhà, đi chơi, đi chợ hay tham dự vào các lễ hội truyền thống,….
Áo chàm – trang phục truyền thống đang dần bị quên lãng
Áo chàm là trang phục truyền thống của một số dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc nước ta. Tên gọi chiếc áo này xuất phát từ cây chàm, loại cây được sử dụng để nhuộm màu vải. Áo chàm truyền thống được làm từ vải tự dệt, không trang trí hoa văn. Loại áo này được sử dụng trong hầu như mọi thời điểm. Tuy nhiên hiện nay, áo chàm đang ngày càng bị mai một và chìm vào quên lãng. Lý do có lẽ là bởi quá trình chế tác tương đối phức tạp và kéo dài.
Các trang phục truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số khác
Trang phục của các dân tộc thiểu số ở nước ta rất đa dạng với đủ mọi màu sắc, kiểu dáng, chất liệu khác nhau. Trong đó nổi bật nhất phải kể đến các bộ trang phục truyền thống của người Mường, Ê Đê, Chăm,…
- Người Mường: Đàn ông và con trai người Mường thường mặc áo cánh, xẻ ngực, cổ tròn, quần ống rộng và thắt khăn giữa bụng. Trong khi đó, phụ nữ và con gái Mường thường mặc áo cánh thân ngắn, tay dài quá khuỷu, váy màu đen dài tới mắt cá chân và cạp váy có thể trang trí hoa văn được dệt rất kỳ công.
- Người Ba Na: Nam mặc loại áo cộc tay chui đầu, cổ xẻ, mang khố chữ T. Nữ mặc áo chui đầu, ngắn tay hoặc dài tay, mang váy hở dài tới chân. Váy hở thực chất là một tấm vải lớn, quấn quanh người tạo thành chiếc váy.
- Người Ê Đê: Nam mặc áo dài xẻ tả trùm mông hoặc áo chui đầu dài quá gối, mang khố. Nữ mặc áo thân ngắn tay dài, mang váy hở.
- Người Gia Rai: Nam mặc áo chui đầu ngắn hoặc dài tay, mang khố. Nữ mặc áo ngắn chui đầu, mang váy hở tương tự người Ba Na.
- Người Chăm: Nam mặc áo cánh xếp chéo, cài dây, mặc quần sóoc bên trong, váy quấn bên ngoài. Nữ có trang phục đa dạng tùy thuộc vào từng khu vực. Đó thường là áo cổ tròn cài nút, mang váy xếp hoặc váy ống.
- Người Xơ Đăng: Nam cởi trần hoặc mặc áo chui đầu, không có ống tay, mang khố. Nữ mặc áo kiểu chui đầu, không có ống tay, mang váy quấn màu đen có buộc dây ở bụng.