Đặc sắc nghề làm trống nêm truyền thống của cộng đồng người Dao đỏ ở Sa Pa

Cộng đồng người Dao đỏ là một trong 5 nhóm dân tộc thiểu số hiện đang sinh sống và tập trung chủ yếu trên địa bàn thị xã Sa Pa của tỉnh Lao Cai. Người Dao đỏ được xem là nhóm dân tộc thiểu số có lịch sử phát triển lâu dài. Cộng đồng này có một kho tàng văn hóa vô cùng phong phú và gìn giữ được trọn vẹn nhiều phong tục tập quán truyền thống lâu đời.

Không chỉ vậy, các nghề thủ công truyền thống cũng được họ duy trì và bảo tồn rất tốt. Những nghề ấy không chỉ giúp họ mưu sinh cho cuộc sống thường ngày, mà nó còn phục vụ cho những nghi thức tôn giáo và tín ngưỡng quan trọng của họ. Và, một trong nhiều nghề truyền thống của người Dao đỏ ấy chính là nghề làm trống nêm vô cùng đặc sắc.

Những loại nhạc cụ không thể thiếu trong văn hoá người Dao đỏ

Trong các loại nhạc cụ truyền thống của người Dao Đỏ thì kèn (phàn tỵ) là nhạc cụ có ý nghĩa rất đặc biệt. Người Dao Đỏ chỉ sử dụng kèn ở 2 việc là lễ cưới và lễ cấp sắc 12 đèn. Họ không sử dụng kèn trong các lễ hội, ma chay như nhiều dân tộc khác. Kèn của người Dao đỏ được đúc bằng đồng và có cấu tạo khá đơn giản.

Chũm chọe cũng là nhạc cụ truyền thống không thể thiếu của người Dao đỏ. Nó được sử dụng trong các nghi lễ, ma chay,… Chũm chọe có 2 bộ đôi đực và cái. Đôi chũm chọe đực có kích thước to hơn chũm chọe cái, rộng khoảng 40 – 50 cm.

Chiêng cũng được người Dao đỏ sử dụng trong các lễ hội, múa bắt ba ba… Chiêng này được làm bằng đồng, chiêng nhỏ hơn 40 cm, chiêng to có thể từ 60 – 80 cm. Chiêng có mặt bằng thường dùng dùi gỗ, ở đầu dùi quấn vải mềm dùng để gõ.

Những loại nhạc cụ không thể thiếu trong văn hoá người Dao đỏ
Kèn (phàn tỵ) là 1 loại nhạc cụ có ý nghĩa rất đặc biệt đối với người Dao đỏ

Còn người Dao đỏ là còn nghề làm trống

Theo phong tục, mỗi gia đình người Dao đỏ đều phải có bộ trống và khèn. Bộ nhạc cụ này nhằm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Vừa qua nghề làm trống của người Dao đỏ ở Sa Pa đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là văn hóa phi vật thể quốc gia.

Chiếc trống của người Dao đỏ đã có từ rất xa xưa. Nó gắn liền với nhiều hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng. Trống của người Dao đỏ là loại nhạc cụ được sử dụng phổ biến trong rất nhiều nghi lễ truyền thống của cộng đồng. Nó gắn liền với đời sống người Dao đỏ như máu thịt. Ví dụ như đám cưới, đám tang, lễ Cấp sắc, lễ Pút tồng, Khoi Kìm, Chấu đàng, lễ trừ tà… Tiếng trống được hiểu như tín hiệu kết nối giữa cõi dương và cõi âm, báo hiệu với tổ tiên

Hiện nay ở Sa Pa, nghề làm trống có ở một xã như Tả Phìn, Tả Van… Nơi có nhiều nghệ nhân tay nghề cao phải kể đến Tả Phìn và Bản Hồ. Nghề làm trống vẫn luôn được người dân gìn giữ và duy trì, các nghệ nhân làm trống người Dao đỏ khẳng định nghề làm trống của người Dao có một sức sống mãnh liệt, không thể mất đi trong cộng đồng. Còn người Dao đỏ là còn nghề làm trống.

Trống nêm là sợi dây gắn kết giữa con người và thần linh

Trống của người Dao đỏ thường được gọi là trống nêm. Bởi lẽ, xung quanh tang trống là dãy nêm được đóng chéo chắc chắn để bảo đảm mặt trống căng và cho âm thanh hay nhất. Cũng nhờ điểm độc đáo này mà theo thời gian khi mặt trống bị trùng, người ta chỉ cần đóng chặt thêm các nêm để làm mặt căng. Với kỹ thuật khá phức tạp, để làm được trống đòi hỏi người thợ phải khéo tay và giàu kinh nghiệm.

Trống nêm là sợi dây gắn kết giữa con người và thần linh
Trống nêm là sợi dây gắn kết giữa con người và thần linh

So với các loại trống của người Kinh, người Tày, trống nêm của người Dao đỏ có kích thước nhỏ, chiều cao của trống trung bình từ 15 – 20cm, tang trống được làm bằng những miếng gỗ nhỏ hình chữ nhật đan chéo nhau bởi các sợi dây mây níu lại tạo thành một dải liên kết được nêm chặt ôm lấy mặt trống. Mặt trống được bưng bằng da thú hình tròn có đường kính 30 – 40 cm.

Đồng bào dân tộc Dao đỏ quan niệm, tiếng trống biểu thị cho tín hiệu tình cảm của con người đối với thần linh. Trống trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Dao có vị trí quan trọng. Tuy nhiên, không phải người Dao nào cũng biết làm trống, cũng không phải ở vùng nào có người Dao sinh sống thì cũng làm được trống.

Những quy định nghiêm ngặt trong nghề làm trống nêm

Để đảm bảo tính thiêng của chiếc trống, người Dao đặt ra những quy định nghiêm ngặt. Từ chọn ngày đi lấy gỗ và ngày làm trống, cho tới người nghệ nhân làm trống phải kiêng không gần vợ để giữ sạch thân thể. Nếu nhà có tang phải đốt tang. Nghệ nhân làm trống phải là người đã được cấp sắc 3 đèn trở lên.

Kỹ thuật làm trống được người Dao truyền cho những thế hệ đàn ông trong gia đình. Theo phong tục truyền thống, người Dao chỉ tiến hành hoàn thiện trống vào hai ngày đặc biệt trong năm. Đây là những thời điểm được cho là những ngày “kỵ” nên có thể cho trống tốt và “linh”. Cũng vì vậy mà những gia đình không làm được trống cũng sẽ xem ngày tháng tốt mới chọn mua trống cho gia đình.

Cách làm trống của người Dao đỏ khá công phu, tỉ mẩn. Người Dao đỏ làm trống chủ yếu bằng phương pháp thủ công nhưng khá công phu. Mặt trống được chọn lựa từ da bò, trâu, sơn dương. Tuy nhiên nó phải có độ mỏng cần thiết. Nếu da dày thì phải bào mỏng thêm mới có thể dùng được. Sau đó da được đem phơi nắng hoặc để gác bếp 10-15 ngày.

Chiếc trống nêm của người Dao đỏ là 1 sản phẩm khác biệt

Trước kia mặt trống thường làm bằng da hổ, da báo, vừa bền lại đẹp. Ngày nay nó thường làm bằng da dê, da bò, họ còn có cả sách dạy đánh trống. Do cấu tạo và chất liệu của tang trống và mặt trống có sự khác biệt nên khi đánh trống tạo ra âm sắc rất riêng. Tiếng trống thoát ra trầm ấm, vang xa, lớp lông thú trên mặt trống đã kìm giữ và điều hòa cho âm thanh không bị “nhọn” và thô. Kỹ thuật đánh trống đã làm cho tiếng trống khi ngân vang, khi trầm bổng tạo nên nhưng âm “bùng…bục”.

Điểm khác biệt trong cách làm trống của người Dao Đỏ so với các dân tộc, vùng miền khác là, tang trống được lấy từ gỗ mít đã bị rỗng, hoặc khoét thủng ruột, sau đó vót tròn, vót bóng xung quanh, làm sao cho tang mỏng, nhẹ nhưng vẫn bền và chắc.

Chiếc trống nêm của người Dao đỏ là 1 sản phẩm khác biệt
Trống nêm của người Dao đỏ có nhiều điểm khác biệt

Ngoài ra, thông thường, da mặt trống sẽ được giữ vào tang trống bằng cách đóng đinh chết vào. Nhưng với người Dao Đỏ, da mặt trống được giữ vào tang trống bằng cách dùng các dây mây nhỏ nối lại 2 mặt trống.

Sau đó, người thợ sẽ dùng các thanh gỗ nhỏ đã được vót đều (gọi là nêm). Chúng sẽ được đóng chặt vào tang trống để kéo các sợi mây đan vào với nhau để cho da mặt trống căng ra mới có thể tạo ra âm thanh trầm bổng. Các thanh gỗ dăm găm tròn xung quanh tang trống trống như những cánh hoa nhỏ, rất bắt mắt. Đó chính là nét độc đáo của trống người Dao đỏ so với một số dân tộc khác.

Những bí quyết trong nghề làm trống của người Dao đỏ

Bí quyết làm nên một cái trống tốt chính là giai đoạn “gia” và “cố”. Một chiếc trống chuẩn, khi đánh lên, người ở xa vẫn nghe tiếng âm vang. Còn với người ở gần sẽ không thấy chói tai. Như vậy mới là một chiếc trống tốt. Để làm được điều này ngoài kinh nghiệm người làm trống phải có được cái tay và cái tai tốt mới có thể thẩm âm được chiếc trống có âm vang trầm bổng cần thiết.

Ngày nay, trống của người Dao đỏ không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng người Dao; mà còn là vật dụng trang trí, một sản phẩm du lịch độc đáo. Nó thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Người Dao đỏ thường dùng trống nêm cùng với thanh la, chũm chọe. Chúng tạo thành một dàn nhạc gõ để phục vụ trong các lễ tết, hội hè, sinh hoạt văn hóa… Trống nêm được coi như một giá trị văn hóa, tinh thần của người Dao đỏ. Nó được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình, dòng họ. Không những thế, trống nêm còn là biểu tượng tâm linh sâu sắc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *