Cao Bằng: bánh trứng kiến – đặc sản những ngày hè

Cao Bằng không chỉ đẹp với núi non hùng vĩ, ẩm thực đường phố nơi đây cũng sở hữu rất nhiều những món ăn đặc sản, thơm ngon và hấp dẫn. Cùng với những món đặc sản nổi tiếng như hạt dẻ Trùng Khánh, xôi trám, vịt quay 7 vị,… Cao Bằng còn có một món bánh không đâu có được, món ăn được bày bán trên đường phố du khách khi đến Cao Bằng không nên bỏ qua. Đó là món bánh trứng kiến. Không ai biết món bánh trứng kiến Cao Bằng này có từ bao giờ. Món bánh được truyền từ đời này qua đời khác cho đến ngày nay và trở thành món ăn không thể thiếu trên đường phố Cao Bằng ngày đầu hè.

Bánh trứng kiến – món ăn ngày đầu hè

Bánh trứng kiến là món ăn ngày đầu hè
Bánh trứng kiến là món ăn ngày đầu hè

Chắc chắn nhiều người sẽ rất tò mò khi lần đầu tiên nghe tên chiếc bánh đặc sản của vùng Cao Bằng, Bắc Kạn.

Bánh trứng kiến là một trong những món bánh độc đáo của người Tày vùng núi Đông Bắc nước ta, mạn Bắc Kạn, Cao Bằng. Nguyên liệu chính để làm nên món bánh này chính là trứng kiến. Loại bánh này thường chỉ được làm vào khoảng thời gian nhất định cuối tháng 4 và tháng 5 hằng năm. Bởi đây là thời gian sinh trưởng mạnh nhất của loài kiến đen rừng.

Đúng như tên gọi, nguyên liệu chính để làm bánh trứng kiến chính là trứng non của kiến làm nhân bánh. Bột nếp nương và lá non của cây vả bọc bên ngoài (một loại cây quen thuộc ở vùng núi cao phía bắc). Nguyên liệu và công đoạn tuy không quá cầu kỳ. Nhưng muốn bánh được ngon thì yêu cầu người làm bánh cũng cần phải có sự khéo léo.

Cách người Cao Bằng làm bánh trứng kiến

Phần nhân

Để có được trứng kiến non, người ta phải lên rừng. Tìm ổ những loại kiến lành như kiến đen thân nhỏ, đuôi nhọn. Thường làm tổ trên các loại cây như vầu, nứa hay găng. Trứng kiến thường to bằng hạt gạo. Chúng có màu trắng sữa, thân mẩy và tròn.

Trứng kiến sau khi rửa sạch sẽ được bắc lên chảo phi với hành khô. Muốn nhân ngon hơn người ta còn cho thêm một ít thịt lợn băm, lạc rang rã nhỏ và một ít lá kiệu thái nhỏ trộn thêm. Phần củ kiệu cũng thái nhỏ, phi chảo thơm. Rồi cho trứng kiến vào đảo cùng cho đến khi chín thì bắc xuống.

Phần bánh

Bánh được làm rất công phu
Bánh được làm rất công phu

Phần bánh được làm từ gạo nếp nương, hạt to và dẻo. Đãi sạch rồi ngâm với nước lạnh qua đêm. Sau đó để ráo nước, xay thành bột và nhào nặn với nước. Sau khi nhào nặn cho bột thật dẻo và mịn, bột nếp sẽ được cán mỏng cỡ nửa phân; to hình vuông cỡ bằng bàn tay. Rồi ốp miếng bột nếp đó vào một chiếc lá vả. Rắc nhân lên mặt bột bánh. Cuối cùng là ốp miếng lá vả tiếp theo lên bề mặt nhân bánh đó. Gói lá sao cho phần bánh và nhân được bọc trọn vẹn không bị hở ra bên ngoài. Bánh được hấp cách thủy khoảng 45 đến 50 phút là chín.

Để miếng bánh đẹp hơn, khi chín người ta thường cắt từng miếng nhỏ vuông vức bày ra đĩa. Lá vả được chọn để bọc bánh nên lấy lá non, khi ăn sẽ ăn luôn lá vả đó, cảm giác man mát, có lợi trong việc thanh nhiệt cho con người.

Đến Cao Bằng không thể bỏ qua bánh trứng kiến

Bánh trứng kiến có thể ăn nóng hay nguội tùy ý. Với loại bánh này thì ăn bất cứ lúc nào cũng có vị ngon riêng. Người ăn luôn cảm nhận được độ dẻo của gạo nếp; vị mềm của lá vả. Và đặc biệt là vị béo béo ngậy ngậy của nhân bánh được làm từ trứng kiến. Từng miếng bánh thơm mùi gạo nếp nương, dẻo dẻo. Hòa quyện với vị béo ngậy của thịt heo và trứng kiến non đảm bảo sẽ khiến nhiều người mê mẩn ngay từ lần đầu thưởng thức.

Là một món ăn dân tộc đặc trưng nên nguyên liệu cũng rất dân dã. Nếu có dịp đến với Bắc Kạn hay Cao Bằng vào khoảng thời gian tháng 4 và tháng 5; đừng quên thử một lần thưởng thức món bánh kỳ lạ mà rất thú vị này. Du lịch Cao Bằng mà chưa thưởng thức món bánh trứng kiến này thì có lẽ chuyến đi của bạn vẫn chưa thể nào trọn vẹn được. Vậy nên nếu có dịp bạn nhất định không được bỏ lỡ cơ hội thưởng thức.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *