Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới nằm ở phía Bắc của Tổ Quốc. Đây là nơi nhiều nền văn hoá giao thoa với nhau, diễn ra bằng sự hòa quyện nét đẹp của nhiều dân tộc anh em. Điều này đã góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng, giàu bản sắc của nền văn hoá các dân tộc Lạng Sơn. Không chỉ vậy, Xứ Lạng còn được biết đến bởi nhiều món ăn độc lạ, ngon do đặc tính buôn bán với người Trung lâu đời. Con người Xứ Lạng cũng là những người sành ăn uống. Bởi vậy nơi đây có những món ăn vặt ăn chơi độc đáo mà không phải đâu cũng có. Đặc biệt là món bánh áp chao, món ăn vặt đường phố được yêu thích nhất.
Mục Lục
Đến Lạng Sơn thưởng thức bánh áp chao
Bánh áp chao là một đặc sản có cái tên và hương vị lạ lùng. Khiến du khách ấm lòng ngày đông giữa phố phường Lạng Sơn tấp nập. Nhắc đến Lạng Sơn là nhắc đến đặc sản vịt quay, lợn quay lá móc mật, nóng hổi và ngon lành. Cũng biến tấu từ món vịt trứ danh, bánh áp chao là món ăn vỉa hè bình dị mà đáng mến.
Tôi đến thành phố Lạng Sơn nhiều lần. Nhưng chưa lần nào không tìm đến những hàng bánh áp chao. Cứ tầm cuối thu đầu đông thế này, gió mùa về từng đợt, đến chập tối là lạnh run, bụng cũng “biểu tình” theo.
Chạy xe trên phố một lúc, vòng vèo qua những khu chợ đông đúc. Kiểu gì cũng nghe mùi thơm nức mũi bay theo gió. “Trời lạnh mà ăn áp chao là nhất”. Chờ gì mà chưa dừng xe? Ngồi ấm chỗ, xem cô bán hàng làm bánh. Nói dăm ba câu chuyện chờ bánh ra đĩa cũng là một cái thú.
Cách người Lạng Sơn làm bánh áp chao
Món bánh có cái tên là lạ này được người Lạng Sơn giải thích nhiều cách khác nhau. Dù do cách làm (nặn rồi đem chao nóng) hay phiên âm của “vịt chao” thì bánh cũng có gốc gác chế biến từ món ăn của người Tày Nùng vùng cao Đông Bắc.
Ở Lạng Sơn bánh bán quanh năm. Nhưng đông khách nhất phải từ cuối thu đầu đông, tầm tháng 11 đến tháng 2 hàng năm. Vỏ bánh là bột gạo nếp, gạo tẻ ngâm xay sền sệt. Trộn một chút đỗ tương, cho cả khoai môn nạo để tăng thêm độ thơm giòn, tạo nên vị đặc trưng. Bánh áp chao trông từa tựa bánh rán. Nhưng sự khác biệt thì ẩn giấu bên trong. Nhân bánh là thịt vịt chuẩn xứ Lạng, tẩm ướp làm sao đó mà rất đậm đà.
Vịt chọn thịt ức, chặt miếng vừa ăn, ướp với gia vị bột canh, mỳ chính, bột nêm, húng lìu, muối tiêu… theo công chức riêng của từng hàng. Để đến 3-4 tiếng cho thật ngấm.
Người bán hàng múc một muỗng lớn bột, áp nhân thịt vịt vào giữa; bọc một lớp bột phía trên, thật nhanh tay để bột không chảy. Rồi thả cả muỗng bánh vào chảo ngập dầu. Tiếng xèo xèo vang lên vui tai, bánh từ từ phồng lên đẹp mắt. Bánh chín, cô bán hàng vớt từng chiếc cho ráo dầu. Sau đó mới cắt miếng nhỏ vừa ăn.
Bánh áp chao – sưởi ấm ngày đông
Bánh lên đĩa vẫn thật nóng. Ăn kèm với nước mắm chua ngọt ngâm gỏi đu đủ xanh. Thêm ít ớt tiêu cay tê tê đầu lưỡi và rổ rau sống xanh mướt chống ngán. Từng miếng bánh màu nâu vàng ruộm, cắn bên ngoài giòn tan, bên trong thơm thơm dẻo dẻo, hòa quyện với vị thịt vịt ngọt béo đặc trưng, lại sần sật sụn xương đã miệng.
Người sành ăn bao giờ cũng gọi thêm đĩa thịt vịt nướng ướp húng lìu hoặc chân, gan, mề vịt, chấm với nước mắm có măng ngâm cay, quả móc mật muối thơm nồng. Trời lạnh, người ta thèm đồ nóng. Mỗi tối, quán bánh lâu năm trên phố Thân Thừa Quý hay khu Tam Thanh lại chật ních người.
Trong không khí ồn ã của phố phường, vừa hít hà gió đông vừa nhâm nhi cùng bạn bè đúng khoái khẩu. Bánh ngon mà rẻ, chỉ chừng 5-7 nghìn đồng/chiếc, vài ba chiếc là đã đủ ấm bụng đến khuya. Mà đã ăn đặc sản Lạng Sơn này là nhớ, là quay lại mãi không thôi.
Một vài địa chỉ cho bạn thưởng thức bánh áp chao
Quán ăn nổi tiếng mà nhiều người thường tìm đến để thưởng thức món ăn này là quán cô Xuân Sửu hiện đã chuyển về số 252 đường Bà Triệu mới. Giá bánh khoảng 15.000 đồng/ cái. Chi phí đi ăn cùng khoảng 3-4 người bạn nữa, ở đây bạn có thể gọi tương đối đầy đặn cả bánh, cổ, cánh, chân, lòng, mề mà chỉ hết khoảng 200.000 đồng, không hề đắt đúng không nào. Địa chỉ khác mà bạn có thể thưởng thức bánh áp chao là gần cây đa chân dốc Phai Món.