Việt Nam tuy là một đất nước nhỏ bé nhưng lại có đến 54 dân tộc anh em sinh sống. Các cộng đồng dân tộc Việt Nam luôn chung sống hoà thuận và cùng nhau gìn giữ những giá trị văn hoá, truyền thống tốt đẹp riêng có qua bao đời cha ông để lại. Không chỉ vậy, ở mỗi cộng đồng dân tộc lại có những nét đặc sắc riêng, thể hiện qua các hoạt động sống thường ngày như nếp sinh hoạt, ăn ở, ma chay cưới hỏi,… Đặc biệt, đối với các dân tộc thiểu số ở vùng cao thì những phong tục ấy lại càng thể hiện rõ hơn. Và một trong những phong tục được xem là thú vị và độc đáo ấy là các nghi thức trong lễ cưới của người Dao đỏ.
Mục Lục
Quan niệm trong hôn nhân của người Dao đỏ
Với người Dao đỏ, cha mẹ là người chọn “đối tượng” cho con trai của mình. Khi một chàng trai tới 14-15 tuổi, cha của cậu sẽ đưa đi gặp các cô gái mà ông nghĩ là phù hợp và khỏe mạnh, có thể giúp đỡ việc trong nhà. Cặp đôi được chọn để kết hôn sau đó phải tham khảo ý kiến của thầy tiên tri. Đây là người sẽ đánh giá sự phù hợp của họ bằng cách sử dụng chân và và tử vi.
Giá trị của 1 cô gái sẽ dựa vào số tiền bạc, gà, lợn, rượu gạo mà nhà trai đưa tới gia đình cô. Nếu một chàng trai quá nghèo mà gia đình không thể lo nổi sính lễ, anh ta sẽ phải sống ở nhà cô dâu. Điều này có thể được coi là một nỗi xấu hổ lớn đối với nhà trai.
Linh đình lễ cưới của người Dao đỏ
Lễ cưới của người Dao đỏ xã Tân Phượng, Yên Bái có tới hơn 10 bài kèn, trống. Cùng với đó là nhiều bài cúng tương ứng với mỗi thủ tục trong đám cưới. Đây là nét văn hóa độc đáo của người Dao nói chung, Dao đỏ tại xã Tân Phượng nói riêng, chứa đựng nhiều giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, tinh thần.
Theo truyền thống, trước lễ cưới chủ nhà sẽ chuẩn bị lợn nguyên con, cơm, rượu, bạc trắng, gạo, hoa quả… để cúng tổ tiên. Sau đó các con cháu sẽ cùng cầm dâng lên cho tổ tiên, người đã khuất trong khoảng 10 phút. Điều này với ý nghĩa mong muốn tổ tiên phù hộ cho đám cưới được diễn ra thuận lợi. Một điều không thể thiếu trong mỗi đám cưới của người Dao đỏ đó là những câu đối chúc phúc. Chúng được người thân của nhà trai chuẩn bị với nội dung cầu cho cô dâu, chú rể hạnh phúc.
Cô dâu chú rể sẽ phải hoà giải xung khắc
Trong văn hoá cưới xin của người Dao đỏ, lễ cưới chủ yếu diễn ra ở nhà trai. Nhà gái chỉ tổ chức một bữa đơn giản mời họ hàng rồi cùng đưa cô dâu về nhà chồng. Nhà trai sẽ không đón dâu từ nhà gái. Họ sẽ đón khi đoàn đưa dâu của nhà gái cách nhà trai vài trăm mét. Một điều bắt buộc của các đôi trai gái người Dao khi cưới nhau là phải xem sách tử vi. Nếu có xung khắc họ sẽ phải làm lễ hoá giải trước khi chính thức thành vợ chồng.
Kết thúc phần lễ hoá giải xung khắc, lêu tạm sẽ được đốt đi. Sau đó đoàn nhà gái đưa dâu về nhà trai. Khi còn cách nhà trai vài chục mét, đoàn đưa dâu sẽ dừng lại đống nhác (đội mũ truyền thống) cho cô dâu. Những người có kinh nghiệm sẽ là người chỉnh trang và đội mũ truyền thống cho cô dâu. Lúc này, đoàn nhà trai nổi kèn trống ra cửa chờ. Khi thấy đoàn nhà gái đã xong phần đống nhác cho cô dâu sẽ xuất phát đi đón.
Trang phục của cô dâu luôn có màu sắc sặc sỡ
Cô dâu về nhà chồng luôn có nhiều chị em phụ nữ Dao che chở, có người che ô, người dẫn đường. Trang phục của cô dâu Dao đỏ nhất thiết phải có bạc và nhiều màu sắc sặc sỡ. Màu đỏ thể hiện ánh bình minh rực rỡ, con người luôn hướng về phía mặt trời; màu xanh là của núi rừng, nơi con người sinh sống; màu trắng thể hiện sự trong trắng, thủy chung của người con gái. Đỉnh mũ cô dâu cắm hoa bạc, khăn cuốn đầu được thêu cỏ cây, hình quả trám nối tiếp nhau, viền khăn đính các sợi len màu vàng, đỏ; tay áo, váy áo cũng được thêu nhiều hoạ tiết.
Trước cửa nhà chồng, đoàn chì cha (nhà gái) sẽ tụ lại cho đội kèn trống đi vòng quanh hình số 8, với ý nghĩa cho đôi vợ chồng mãi hạnh phúc, tình hai họ vững bền. Sau đó cô dâu sẽ được đưa đến đứng ngoài cửa ở gian giữa, hướng mặt ra ngoài chờ thầy cúng làm lễ và đợi thời khắc tốt đẹp để bước vào nhà trai. Trong lúc cô dâu đứng trước cửa nhà chờ thầy cúng làm một số thủ tục theo nghi thức truyền thống, hai họ chuẩn bị cho chú rể làm lễ pái tòng (bái đường).
Pái tòng – nghi thức quan trọng nhất trong lễ cưới người Dao đỏ
Pái tòng là phần quan trọng nhất trong lễ cưới. Chú rể sẽ cầm khăn, rượu đứng bái 2 bái, quỳ bái 2 bái. Lúc chú rể quỳ bái thì cô dâu cũng đứng lên, quỳ xuống 2 lần. Nghi lễ này mang ý nghĩa cảm ơn ông bà, cha mẹ, các bậc bề trên đã có công sinh thành, nuôi dưỡng, dạy bảo; cảm ơn tổ tiên đã chở che cho con cháu khôn lớn rồi kết thành phu thê.
Sau lễ pái tòng, thầy cúng lấy 2 chén rượu từ bàn thờ cầm chéo tay. Sau đó, thầy sẽ bước chéo chân xuống cho cô dâu, chú rể uống vài giọt. Ý nghĩa là để cho đôi vợ chồng trẻ sẽ mãi gắn kết. Kết thúc pái tòng, cô dâu và chú rể mới được tháo khăn, mũ ra để lộ mặt trước họ hàng hai bên. Sau đó là họ hàng nội tộc hai bên cùng liên hoan tại nhà trai. Trong bữa liên hoan này, mỗi mâm nhà gái, nhà trai sẽ cử 1 người ngồi cùng để lau bát đũa, gắp thức ăn cho khách.
Thầy cúng cho biết, đồ cúng trong lễ cưới người Dao đỏ gồm rượu, gà, xôi, thịt… Nhà trai có 1 thầy cúng đón, nhà gái có 1 thầy cúng đưa. Nhà gái phải có ít nhất 30 người đưa dâu.
Trước khi cô dâu vào nhà phải thổi kèn, đánh trống để làm lễ cúng nhập khẩu. Nội dung bài cúng là báo cáo tổ tiên hôm nay chính thức gia đình đón nhận thành viên mới. Đây 2 chén rượu tình thể hiện tình yêu của 2 con; xin được dâng lên ông bà tổ tiên chứng giám cho 2 con thành vợ thành chồng. Các con đã nguyện yêu thương nhau trọn đời. Cho dù cuộc sống có khó khăn vất vả cũng sẽ cố gắng vượt qua. Các con sẽ sống hạnh phúc bên nhau như 2 chén rượu đầy. Kính ông bà tổ tiên chứng giám và đón nhận thành viên mới của gia đình…
Những lễ cưới tốn kém
Ông Triệu Tiến Tiên, Chủ tịch UBND xã Tân Phượng, Yên Bái cho biết, ở đây có 5 thôn; trong đó, người Dao đỏ chiếm tỷ lệ 95%. Điểm khác biệt trong đám cưới người Dao đỏ ở đây là có tới hơn 10 bài kèn và 2 bài trống. Mỗi bài kèn tương ứng với mỗi thủ tục, mỗi giờ khác nhau. Ví dụ như thủ tục cúng tổ tiên, đón dâu, mời nhà gái ăn cơm…
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa ai giải mã được ngôn ngữ các bài kèn của các cụ. Các bài kèn chỉ được truyền dạy cho thế hệ sau về giai điệu và cách thổi. Trước đây, người Dao đỏ thường tổ chức ăn cưới 2 – 3 ngày. Cùng với đó là nhiều tập tục lạc hậu tốn kém, lãng phí khác. Vì vậy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tổ chức lễ cưới văn minh, tiết kiệm nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc của người Dao đỏ.