Đất Hoa Lư rộn ràng những lễ hội trong tiết tháng 3

Hoa Lư, Ninh Bình vốn là vùng đất cố đô của Việt Nam xưa kia. Nơi này được thiên nhiên ưu ái và ban tặng cho vô số những thắng cảnh hùng vĩ và kỳ thú, cùng với đó là nhiều di sản văn hóa đặc sắc, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên và dự trữ sinh quyển quý giá,…  Đặc biệt hơn nữa, cố đô Hoa Lư  còn là nơi diễn ra nhiều lễ hội độc đáo mang màu sắc tâm linh được người dân nơi đây gìn giữ qua nhiều thế hệ. Tuy đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, thế nhưng, những lễ hội này vẫn còn giữ được nguyên những giá trị văn hoá vốn có của trốn kinh thành Hoa Lư xưa.

Tháng 3 âm lịch, tháng của những lễ hội trên đất cố đố Hoa Lư

Cứ đến tháng 3 âm lịch, người dân vùng đất cố đô Hoa Lư nghìn năm văn hiến lại tưng bừng, nhộn nhịp trong mùa lễ hội. Trải qua đến hơn cả 1000 năm, những lễ hội ở Hoa Lư vẫn được người dân nơi đây gìn giữ, mô phỏng và phục dựng gần như nguyên vẹn những nét đặc trưng quý giá nhất mà cha ông đã để lại. Vì thế, những lễ hội này xứng danh là những di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam.

Hàng năm, cứ vào dịp tháng 3 âm lịch khắp đất Cố đô Hoa Lư – Ninh Bình lại tưng bừng mở hội để tưởng nhớ các vị anh hùng, các vị thần trong tín ngưỡng văn hóa dân gian. Các vị thần này được cho rằng có công với cố đô Hoa Lư nên được thờ ở rất nhiều ngôi đền xung quanh quần thể di tích Cố đô, có vai trò bổ sung tạo nên một không gian văn hóa tín ngưỡng đặc trưng của vùng đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần.

Tháng 3 âm lịch, tháng của những lễ hội trên đất cố đố Hoa Lư
Tháng 3 âm lịch là mùa của những lễ hội trên đất cố đố Hoa Lư

Lễ hội Hoa Lư, lễ hội để tưởng nhớ những anh hùng dân tộc

Hàng năm cứ vào dịp tháng 3 âm lịch, nhân dân Trường Yên lại nô nức chuẩn bị Lễ hội để tưởng nhớ, tri ân công đức hai vị anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn. Lễ hội được tổ chức đều đặn hàng năm và trở thành truyền thống tại di tích Cố đô Hoa Lư trên địa bàn xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình –  nơi tọa lạc của 2 ngôi đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành. Vì thế mà Lễ hội có nhiều tên gọi: Lễ hội Trường Yên, lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư, lễ hội Cờ lau.

Lễ hội được tổ chức trong 4 ngày từ mùng 8 đến 11 tháng 3 âm lịch. Lễ hội này gắn với sự kiện ngày vua Đinh đăng quang lên ngôi Hoàng Đế mùng 10 tháng 3 năm 968. Lễ hội có rất nhiều nghi lễ và hoạt động gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của  vua Đinh Tiên Hoàng.

Phần lễ bao gồm: Lễ mở cửa đền, Lễ Rước nước, Lễ Mộc dục, Lễ dâng hương, Lễ tế. Sau phần Lễ là phần Hội với các trò chơi dân gian: Tục hèm – Cờ lau tập trận;  Kéo chữ Thái Bình. Cuộc đời và sự nghiệp của vua Đinh Tiên Hoàng đã được tái hiện qua hai nội dung có tính chất tiêu biểu, thuộc hai giai đoạn: tuổi ấu thơ (tập trận cờ lau) và đến giai đoạn bình định sơn hà (kéo chữ Thái Bình).

Lễ hội Đức Thánh Nguyễn

Đền thờ Đức Thánh Nguyễn là một ngôi đền cổ thuộc làng Điềm, phủ Tràng An xưa. Nơi này nay thuộc 2 xã Gia Thắng, Gia Tiến huyện Gia Viễn, Ninh Bình. Đền được xây dựng trên nền ngôi chùa có tên là Viên Quang do chính Nguyễn Minh Không lập vào năm 1121. Khi ông mất, nhân dân Đàm Xá nhớ ơn đã thờ ông ở đây. Đền Thánh Nguyễn được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia tháng 2 năm 1989.

Lễ hội Đức Thánh Nguyễn
Lễ hội Đức Thánh Nguyễn được tổ chức hàng năm vào dịp tháng Giêng

Lễ hội đền Thánh Nguyễn diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 3 âm lịch. Đây là dịp nhân dân địa phương tri ân đức Thánh Nguyễn Minh Không, người con của đất Gia Viễn. Lễ hội chính được tổ chức 5 năm hoặc 10 năm một lần (tuỳ theo điều kiện kinh tế). Lễ hội còn được tổ chức hàng năm vào dịp tháng Giêng. Trong phần lễ chính có tục rước nước từ sông Hoàng Long về đền; tế lục khúc, tế nam quan, nữ quan… phần hội có tổ chức các trò chơi dân gian kéo co, cờ 32 quân, chọi gà, thi bóng chuyền, bóng đá.

Lễ hội đền Thái Vi, dịp tưởng nhớ các vị vua nhà Trần

Đền Thái Vi ở thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đền thờ 4 vị vua đời Trần là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông và Hiển Từ Hoàng Thái Hậu.

Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của nhân dân Ninh Hải. Lễ hội nhằm để tưởng nhớ công ơn của các vị vua Trần. Đặc biệt trong số đó là vua Trần Thái Tông; người đã có công chiêu dân lập ấp ở xã Ninh Hải. Lễ hội thường được diễn ra từ ngày 14/3 đến hết ngày 16/3 Âm lịch. Chính hội là ngày rằm tháng 3. Cứ 3 năm một lần, nhân dân trong vùng lại tổ chức hội lớn (hội tổng).

Lễ hội gồm hai phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm: Lễ rước kiệu, rước đuốc, lễ tế. Phần hội thường tổ chức các trò chơi dân gian rất hấp dẫn. Có thể kể đến như: Trò nấu cơm thi, trò đua thuyền rồng, hội diễn chèo, tổ tôm điếm, cờ bỏi, thi đu quay, đu giật, kéo co, thi múa rồng, múa lân…

Lễ hội Tràng An suy tôn thần trấn cổng Quý Minh

Lễ hội Tràng An suy tôn thần trấn cổng Quý Minh
Lễ hội Tràng An tổ chức để suy tôn thần Quý Minh trấn cửa ngõ phía nam Hoa Lư

Lễ hội Tràng An hay còn gọi là lễ hội Đức thánh Quý Minh Đại Vương được tổ chức vào ngày 18-3 âm lịch hàng năm, tại đền Trần (đền Nội Lâm). Vì vậy, lễ hội còn có tên gọi khác là lễ hội đền Trần.

Lễ hội suy tôn thần Quý Minh trấn cửa ngõ phía nam kinh đô Hoa Lư. Thần Quý Minh hay thánh Quý Minh đại vương, là tên gọi một vị thần trong truyền thuyết Việt Nam. Người là một “thượng đẳng thần”, được các nhà vua qua nhiều triều đại ban sắc phong. Ông cũng được nhân dân khắp xứ này thờ phụng. Đền chính được vua Đinh Tiên Hoàng cho xây dựng tại thành Tràng An ở cố đô Hoa Lư. Sau đó, vua Trần Thái Tông cho xây dựng lại với quy mô như ngày nay.

Đây là một trong những lễ hội truyền thống độc đáo của Ninh Bình. Bởi lẽ, nó diễn ra trong không gian của những thung nước trong xanh; những hang động lung linh kỳ ảo và giữa bốn bề núi non hùng vĩ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *