Uống nước nhớ nguồn luôn là truyền thống từ bao đời của dân tộc Việt Nam ta. Cứ mỗi dịp tháng 3 và tháng 8 âm lịch đến thì lễ hội đền Trần lại được tổ chức. Đây chính là cơ hội để con cháu người Việt có thể bày tỏ lòng tưởng nhớ đến Thánh, Mẫu. Bày tỏ lòng biết ơn đến với những người có công xây dựng và giữ gìn đất nước này. Tại lễ hội, mọi người sẽ được vui chơi, hòa mình vào lễ hội tưng bừng với những lễ nghi trang nghiêm. Đặc biệt, lễ hội này thường được tổ chức ở Nam Định hàng nam. Hãy khám phá ngay trong bài viết để xem lễ hội này có gì thú vị nhé!
Mục Lục
Lễ hội đền Trần được tổ chức từ ngày 15 đến 20 tháng 8 âm lịch
Không biết từ bao giờ câu ca “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ” luôn vương vấn trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt. Nó như một lời nhắc nhở để mỗi dịp tháng ba, tháng tám hàng năm lại tìm về cội nguồn. Mọi người cùng hoà mình vào những lễ nghi trang nghiêm, những lễ hội tưng bừng, tưởng nhớ Thánh, Mẫu. Những người đã có công sáng lập và gìn giữ vùng đất thiêng này. Lễ hội đền Trần được tổ chức trong các ngày từ ngày 15 đến ngày 20 tháng tám âm lịch hàng năm tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Nhằm tri ân công đức của 14 vị vua Trần.
Theo hồi cố của các bô lão, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, đúng rằm tháng giêng. Trước sân đền Thượng tổ chức nghi lễ Khai ấn với sự tham gia của bảy làng: Vọc, Lốc, Hậu Bồi, Bảo Lộc, Kênh, Bái, Tức Mặc. Các làng rước kiệu các vị thần về tụ tập ở đền Thượng để tế các vua Trần. Nghi lễ này phản ánh một tập tục nghi lễ cổ: sau những ngày nghỉ tết. Từ rằm tháng giêng thì triều đình trở lại làm việc bình thường. “Khai ấn” là mở đầu ngày làm việc của một năm mới. Đến nay, nghi thức khai ấn vẫn được giữ nguyên với những lễ nghi truyền thống, thu hút hàng vạn người từ khắp mọi miền Tổ quốc về tham quan, xin ấn mỗi năm với mong muốn một năm mới thành đạt và phát tài.
Lễ hội được tổ chức trang nghiêm với nhiều nghi lễ
Hội đền Trần diễn ra từ ngày 15 đến ngày 20 tháng tám âm lịch hàng năm. Những năm chẵn hội mở to hơn năm lẻ. Song không đợi đến chính hội, khách thập phương đã nô nức về trẩy hội đền Trần. Hành hương về cội nguồn ai cũng mong muốn điều tốt lành, thịnh vượng. Trước sân đền phấp phới lá cờ đại – lá cờ truyền thống với năm màu rực rỡ biểu trưng cho ngũ hành, hình vuông biểu tượng đất (âm), rìa tua hình lưỡi liềm biểu tượng trời (dương). Chính giữa cờ hội thêu chữ “Trần” bằng chữ Hán do hai chữ “Đông” và “A” ghép lại.
Lễ hội được cử hành trang nghiêm. Nghi lễ được diễn ra với các lễ rước từ các đình, đền xung quanh về dâng hương, tế tự ở đền Thượng thờ 14 vị vua Trần. Lễ dâng hương có 14 cô gái đồng trinh, đội 14 mâm hoa đi vào đền trong tiếng nhạc lễ dâng lên 14 ngai vua. Nghi lễ này là hồi ảnh của cung cách triều đình phong kiến xa xưa.
Lễ hội đền Trần có nhiều hoạt động vui nhộn
Phần hội có nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá phong phú, độc đáo. Chẳng hạn như chọi gà, diễn võ năm thế hệ, đấu vật, múa lân, chơi cờ thẻ, đi cầu kiều, hát văn, múa bài bông. Chính những nét sinh hoạt văn hoá độc đáo này đã tạo cho hội Đền Trần sức hấp dẫn và cuốn hút du khách thập phương.
Lễ hội Đền Trần là một trong những lễ hội truyền thống lớn. Đây là niềm tự hào của mỗi người dân Nam Định khi nhớ về cội nguồn dòng giống của các bậc đế vương và của dân tộc Việt Nam.
Lễ hội thu hút đông đảo người tham gia
Ngay trong ngày khai hội, đông đảo nhân dân Nam Định và du khách khắp nơi đã đến dâng hương. Họ tỏ lòng thành kính trước các bậc tiền nhân và hòa mình vào không khí lễ hội. Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống đặc sắc được trình diễn. Các hoạt động thu hút người xem như: múa sư tử, múa rồng, hát chèo, biểu diễn võ thuật, múa rối nước, thi đấu cờ, chọi gà…
Ban tổ chức cho biết, trong thời gian diễn ra lễ hội. Địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm an ninh, phân luồng giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ… để nhân dân vui hội văn minh, an toàn.