Trong một thời đại phát triển nhanh chóng như ngày nay, đời sống xã hội ngày càng được cải thiện tốt hơn thì chúng ta cũng dần có xu hướng để ý và tìm hiểu về các giá trị tinh thần và văn hoá nhiều hơn. Chính vì thế, các di sản văn hoá phi vật thể cũng dần được quan tâm và gìn giữ một cách mạnh mẽ. Bởi lẽ, những di sản vô hình này là nền tảng để một địa phương, hay một quốc gia đẩy mạnh phát triển văn hoá và du lịch một cách bền vững. Trong một xu thế tất yếu như vậy, tỉnh Lào Cai của nước ta cũng là một vùng đất đã bảo tồn rất tốt nhiều di sản văn hoá phi vật thể lâu đời của Việt Nam.
Mục Lục
Di sản văn hoá phi vật thể được hiểu như thế nào ?
Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan. Di sản này có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng. Nó không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó có thể là bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác.
Di sản văn hóa phi vật thể bao gồm: tiếng nói, chữ viết, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống,… Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học,…
Lào Cai, vùng đất của các di sản văn hoá phi vật thể
Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lào Cai cho biết, Bộ VH-TT&DL vừa công nhận Lào Cai là địa phương đang sở hữu 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Lễ hội đua ngựa Bắc Hà Lào Cai
Lễ hội đua ngựa Bắc Hà là lễ hội truyền thống của các dân tộc huyện Bắc Hà. Lễ hội này được diễn ra thường niên vào tháng 6 hàng năm. Nó được tổ chức tại sân vận động của thị trấn Bắc Hà. Lễ hội đua ngựa có nguồn gốc từ tập quán nuôi ngựa, thuần dưỡng ngựa để phục vụ nhu cầu vận chuyển, phát triển kinh tế của cộng đồng. Lễ hội còn được bắt nguồn từ phong tục diễu hành ngựa qua các con đường trong thôn bản. Mục đích của nó nhằm thể hiện tình cảm của cộng đồng với con vật thân quen của mình. Hơn nữa, đó cũng là để báo hiệu thời gian nghỉ ngơi đã hết; bắt đầu cho một mùa canh tác mới.
Lễ hội đua ngựa ở Bắc Hà được duy trì đến cuối thế kỷ XIX. Sau đó, lễ hội này bị gián đoạn trong một thời gian dài do chiến tranh. Tháng 6/2008, Lễ hội đua ngựa Bắc Hà chính thực được khôi phục trở lại. Lễ hội mới này dựa trên cơ sở lễ hội rước ngựa xưa của đồng bào và hội đua ngựa.
Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa
Trang phục của người Mông Hoa về cơ bản gồm có bộ trang phục nam giới và nữ giới. Trong đó, Bộ trang phục cổ truyền của người phụ nữ Mông Hoa chính là một tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật trang trí. Bộ trang phục cổ truyền của người phụ nữ Mông Hoa gồm có: khăn, áo xẻ ngực, váy, tấm vải che phía trước váy, sau váy, thắt lưng, xà cạp. Họa tiết hoa văn trên áo, váy của người Mông Hoa chủ yếu là các hoa văn hình học. Tên gọi các mẫu hoa văn có có tính chất ước lệ. Thấy hoa văn gần giống vật gì quen thuộc trong đời sống là người dân dùng tên vật đó để gọi tên hoa văn, như: rau dớn, khóa đuôi ngựa, chân gà, hoa hướng dương, hoa đào…
Ngoài ra, còn có một số hoa văn hình học phân bố xen cài bên nhau. Điều nhằm tôn thêm vẻ đẹp cho họa tiết chính. Một số hoa văn hình học tiểu biểu đó là: hình tam giác, hình răng cưa, đường viền, đường nhánh… Trong các họa tiết nổi bật là hoa văn hình xoắn ốc từng cặp đôi, cặp bốn được trang trí nhiều trên cổ áo, tay áo, gấu váy.
Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Nùng Dín
Bộ trang phục của người Nùng Dín được trang trí bằng các đồ chạm bạc. Tính thẩm mỹ còn được sáng tạo thông qua kỹ thuật thêu, ghép vải, ghép hạt cườm bằng kim loại,… Hoa văn trang trí trên trang phục thể hiện tín ngưỡng và thế giới quan của tộc người thông qua những biểu tượng sùng bái tự nhiên như mặt trời, nguồn nước gắn với tập quán canh tác nông nghiệp. Nghệ thuật trang trí phản ánh triết lý âm dương của tộc người. Nó cũng biểu hiện tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp thông qua biểu tượng nước, nguồn sống của con người có đôi, có cặp phần nào thể hiện sự đầy đàn, sự phồn thịnh.
Ngoài ra, còn có sự xuất hiện của một số loại động vật (chim phượng, đàn cá). Ví dụ như: hoa văn song phượng ở vòng cổ, hoa văn con chim được ghép vào một cúc áo; những cặp đôi hình cá được xếp tạo thành một dải trên hoa tai…
Nghề làm tranh thờ của người Dao đỏ
Nghề thủ công độc nhất
Nghề làm tranh thờ gắn liền với đời sống tâm linh hết sức phong phú và huyền bí, linh thiêng của người Dao Đỏ. Do đó, để có thể làm ra được bộ tranh thờ đúng theo quy định, đảm bảo các yếu tố tín ngưỡng thì toàn bộ công việc từ khi làm ra giấy dó, hồ giấy vẽ, tạo màu, cho đến những kiêng kị trong quá trình vẽ tranh… đều phải trải qua một quy trình nghiêm ngặt. Bất cứ thầy vẽ nào cũng buộc phải tuân thủ chúng.
Người Dao Đỏ có rất nhiều nghề thủ công. Thế nhưng, nghề làm tranh thờ là một trong những nghề thủ công độc đáo nhất. Nó mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, phản ánh thế giới đa tầng, tâm linh, tín ngưỡng. Thậm chí là tính triết lý, triết học thể hiện trên từng bức tranh thờ.
Nghề làm tranh thờ ra đời từ nhu cầu nội tại của tộc người. Nó phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày và nhu cầu tâm linh của họ. Bộ tranh thờ đều gắn liền với các thầy cúng, thầy tào… Tranh thờ bổ trợ cho các thầy khi các thầy đi thực hành lễ cấp sắc, chấu đàng…
Giá trị tinh thần vô giá
Từ xưa, tranh thờ và bộ tranh thờ đã trở thành thứ hàng hoá đặc biệt với người Dao đỏ. Bởi lẽ, đây là sản phẩm rất có ý nghĩa và giá trị về mặt tâm linh đối với họ. Có thể nói, trong suốt quá trình hình thành và phát triển của người Dao nói chung và người Dao Đỏ nói riêng, tranh thờ luôn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng.
Các bức tranh thờ đều mang những giá trị riêng. Nó thể hiện rõ vị trí, vai trò của tín ngưỡng thờ Đạo giáo trong cộng đồng người Dao Đỏ. Đây cũng được xem là yếu tố quan trọng giúp người Dao không tin và đi theo các loại tôn giáo khác. Qua quá trình nghiên cứu cho thấy, tranh thờ người Dao Dỏ là một loại hình di sản văn hóa độc đáo. Nó có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mĩ, tín ngưỡng, giáo dục…
Với việc công bố thêm 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ góp phần tạo thuận lợi cho công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn Lào Cai.