Di tích khảo cổ Bãi Cọi tại tỉnh Hà Tĩnh là một quần thể mộ táng có tuổi đời hàng ngàn năm, được phân bố trên một khoảng đất có diện tích rộng lớn. Trong quần thể này có 2 loại hình mộ mai táng chủ yếu là mộ huyệt đất và mộ chum, tất cả được chôn xen kẽ nhau. Bãi Cọi được coi là di tích khảo cổ học đặc biệt đối với nước ta. Bởi lẽ, đây là một nơi hiếm hoi ở Việt Nam còn lưu giữ được đồng thời những đặc trưng văn hoá của cả 2 thời kỳ Đông Sơn và Sa Huỳnh nổi tiếng xưa kia.
Chính điều đó đã cho thấy, với vị trí vô cùng đặc biệt, Bãi Cọi chính là nơi hội tụ và gặp gỡ của cư dân 2 nền văn hóa Sa Huỳnh và Đông Sơn trong lịch sử Việt Nam trước đây.
Mục Lục
Hình thức mai táng cổ xưa của 2 nền văn minh
Qua các ngôi mộ ở Bãi Cọi cho thấy, có khá nhiều hình thức mai táng khác nhau ở đây. Điển hình như mộ huyệt đất, mộ nồi (bình úp nhau) và mộ chum. Trong số đó loại mộ huyệt đất là chủ yếu.
Trước nay, mộ vò vẫn được coi là táng tục đặc trưng của cư dân Sa Huỳnh. Còn mộ huyệt đất là đặc trưng của cư dân Đông Sơn. Tại Bãi Cọi, mộ huyệt đất chiếm tỷ lệ lớn hơn. Điều đó phản ánh ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hoá Đông Sơn trong táng tục cư dân Bãi Cọi. Huyệt mộ hình chữ nhật, dài khoảng 1,8m đến 2m, rộng từ 0,8m đến 1m. Điểm đáng lưu ý là ở biên huyệt mộ có kè mảnh gốm, đập vỡ và bóp méo hiện vật trước khi táng theo chủ nhân mộ. Hiện tượng này phản ánh một quan niệm nhân sinh và theo đó có tục lệ “giết chết hiện vật”; hay “của nhà chia đôi, của đồng chia ba” còn ảnh hưởng đến tận ngày nay.
Bãi Cọi – di tích khảo cổ từng bị lãng quên
Tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, trưng bày di tích Bãi Cọi đã giới thiệu trên 150 hiện vật, tư liệu với nhiều chất liệu như đá, gốm, kim loại, thủy tinh… Đây cũng là dịp để công chúng trong nước và bạn bè quốc tế có thêm nhận thức về văn hoá Sa Huỳnh và Đông Sơn.
Di tích khảo cổ học Bãi Cọi thuộc xã Xuân Viên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) được phát hiện năm 1974. Trải qua hơn 3 thập kỷ bị “lãng quên”, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp cùng Sở VHTTDL Hà Tĩnh đã “đánh thức” cụm di tích bằng các cuộc khai quật khảo cổ.
Di tích Bãi Cọi đã trải qua nhiều đợt thám sát và khai quật. Tất cả đều được Bảo tàng Lịch sử quốc gia thực hiện từ năm 2008 – 2012. Đây là một di tích khảo cổ học đặc biệt. Nó mang đặc trưng của 2 nền văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh. Với vị trí đặc biệt, Bãi Cọi chính là nơi hội tụ; gặp gỡ của cư dân văn hóa Sa Huỳnh và Đông Sơn. Di tích này có ý nghĩa rất quan trọng trong nghiên cứu thời Sơ sử ở Việt Nam.
Những di tích khảo cổ Bãi Cọi lần đầu được trưng bày
Để giúp có thêm nhận thức về vị trí, vai trò, giá trị của di tích Bãi Cọi trong diễn trình lịch sử, văn hóa Việt Nam, làm sáng tỏ những khoảng trống lịch sử giai đoạn Sơ sử miền Trung Việt Nam và ghi nhận thành công của mô hình hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Sở VHTTDL Hà Tĩnh và Bảo tàng Hà Tĩnh đã khai mạc trưng bày chuyên đề “Bãi Cọi – nơi gặp gỡ các nền văn hóa” với gần 150 ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu. Không gian trưng bày gồm 3 phần: Bãi Cọi – Hành trình khám phá; Bãi Cọi – Nơi gặp gỡ các nền văn hóa; Hợp tác quốc tế giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc).
Nội dung giới thiệu những hiện vật được phát hiện trong quá trình khai quật mộ táng tại di tích. Theo đó, di tích Bãi Cọi là một quần thể mộ táng phân bố trên một diện tích rộng lớn. Tại đây có 2 loại hình mộ huyệt đất và mộ chum được chôn xen kẽ. Điểm lý thú, tạo nên giá trị đặc biệt của di tích Bãi Cọi là trong các mộ chum (Sa Huỳnh) có các hiện vật thuộc văn hóa Đông Sơn. Ngược lại, trong các mộ huyệt đất (Đông Sơn) lại có hiện vật mang đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh. Hơn thế nữa tại đầy còn có những hiện vật thuộc văn hóa đồ sắt Trung Quốc.
Kế hoạch gìn giữ tài sản vô giá Bãi Cọi
Ông Nguyễn Quốc Bình – Trưởng phòng Trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho hay; sau khi kết thúc trưng bày, Bảo tàng sẽ đưa toàn bộ hiện vật về Bảo tàng Hà Tĩnh. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng đã làm việc với các cơ quan chức năng, đơn vị có thẩm quyền nơi mà có di tích Bãi Cọi để khoanh vùng, bảo vệ tốt hơn và quyết định xây một nhà trưng bày và biến di tích thành một sản phẩm du lịch của địa phương.
Thời gian tới, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ bổ sung một số hình ảnh, tư liệu, hiện vật vào phần trưng bày Sa Huỳnh nằm trong hệ thống chính của bảo tàng. Trong kế hoạch 3 năm tới, bảo tàng đang xây dựng đề án chỉnh lý lại toàn bộ hệ thống trưng bày. Đến lúc đó sẽ có nhiều không gian hơn để trưng bày văn hoá Sa Huỳnh.
“Ngoài ra, bộ phận giáo dục công chúng của Bảo tảng Lịch sử Quốc gia cũng đang xây dựng kế hoạch để có những hoạt động đưa trưng bày vào trường học. Điều đó sẽ giúp học sinh tiếp cận dễ dàng hơn với lịch sử. Tuỳ từng chuyên đề, tính chất, thời điểm, bảo tàng sẽ xây dựng một chương trình giáo dục riêng và đã chuyển nội dung cho CLB Em yêu lịch sử để nhanh chóng triển khai kế hoạch này”, ông Bình chia sẻ.